Những quy định giá trị pháp lý về chữ ký điện tử và chữ ký số mới nhất

19/08/2024

19/08/2024

13

Trong bối cảnh giao dịch điện tử diễn ra ngày càng phổ biến như hiện nay, chữ ký điện tử và chữ ký số đang dần trở nên quen thuộc đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các quy định, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chữ ký số cũng như tiêu chuẩn để ứng dụng cho đúng. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp và cập nhật các quy định về chữ ký số và chữ ký điện tử mới nhất.

Chữ ký số và điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác: Việc biến đổi được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa; Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi (khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP)
Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:
    • Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.
    • Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp: Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng.
    • Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.
Các quy định về chữ ký điện tử được cập nhất mới nhất năm 2022
CKS-gia-tri-01.png
 
1. Về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử
Chữ ký điện tử phải đảm bảo giá trị pháp lý thì mới đủ điều kiện để ký hợp đồng điện tử. Trong điều 24, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử như sau:
“Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản/hợp đồng cần có chữ ký thì chữ ký điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng được các điều kiện sau:
    • Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung văn bản hoặc hợp đồng;
    • Phương pháp tạo chữ ký đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi;
Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản và hợp đồng cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức đó có giá trị pháp lý khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1, điều 22 của Luật Giao dịch điện tử và chữ ký điện tử đó có chứng thực”.
Như vậy, chữ ký điện tử được đảm bảo về giá trị pháp lý khi sử dụng trong các giao dịch điện tử. Chính điều này đã góp phần thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong việc sử dụng chữ ký điện tử ngày càng rộng rãi hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và hội nhập mô hình chuyển đổi số toàn cầu.
2. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử được xác định tại Luật nào?
Căn cứ vào các văn bản pháp luật sau đây mà tổ chức, đơn vị xác định tính pháp lý của các loại chữ ký điện tử:
    • Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
    • Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 do Chính phủ quy định chi tiết ban hành.
    • Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
    • Bộ luật dân sự 2015 điều chỉnh các loại giao dịch và hợp đồng.
Các quy định về chữ ký số được cập nhật mới nhất năm 2022
1. Quy định về giá trị pháp lý của chữ ký số
Căn cứ theo điều 8, Nghị định 130/2018/NĐ-CP, chữ ký số được coi là có giá trị pháp lý khi:

“Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại điều 9 của Nghị định này.
Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được coi là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại điều 9 của Nghị định này.

Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Chương V của Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp”.
Qua đây có thể thấy, nếu chữ ký số không đáp ứng đủ các điều kiện tối thiểu này thì chữ ký số đó không được công nhân giá trị pháp lý. Việc sử dụng những loại chữ ký số này sẽ khiến người dùng có nguy cơ gặp rủi ro về mặt pháp lý bởi không tuân thủ theo quy định của pháp luật.
2. Quy định về điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số
Được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó
Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau cung cấp:
    • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia.
    • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
    • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
    • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng.
Như vậy: Trước khi quyết định mua chữ ký số thì người dùng cần tìm hiểu kỹ lưỡng xem chữ ký số đó có đảm bảo đủ điều kiện an toàn hay không. Nếu không, chữ ký số đó sẽ bị coi là không hợp lệ và không có giá trị pháp lý.
3. Hướng dẫn sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử theo Thông tư 01/2019/TT-BNV
Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BNV áp dụng cho các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước về việc sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không thuộc nhà nước được khuyến khích thực hiện theo các quy định được áp dụng trong Thông tư này.
Trong thông tư, Bộ Nội vụ hướng dẫn doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước ký số trên văn bản điện tử một cách chính xác nhất theo những tiêu chuẩn như sau:
    • Hình thức & thông tin hiển thị của chữ ký số.
    • Vị trí của chữ ký số trên văn bản điện tử.
    • Quy trình ký số trên văn bản điện tử.
Như vậy, để đảm bảo thao tác ký được đồng nhất, chuẩn xác theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp nên áp dụng các quy định được hướng dẫn chi tiết trong thông tư 01 này.
Nguồn tham khảo:
1. sotp.langson.gov.vn: Một số quy định về Chữ ký số
2. vietnam-business-law.info: Quy định về chữ ký số tại Việt Nam
3. lexology.com: Giá trị pháp lý của chữ ký số

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *